Thống kê
Hôm nay : 81
Tháng 04 : 570
Năm 2024 : 9.948
A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

KÝ ỨC VỀ TRƯỜNG TRUNG CẤP NGHỀ GIAO THÔNG VẬN TẢI THÁI BÌNH

Tôi học lái xe lớp B2 khóa 6, thời điểm từ 1/6/2020 - 24/10/2020.

 Tôi học lái xe lớp B2 khóa 6, thời điểm từ 1/6/2020 - 24/10/2020. Đó là quãng thời gian vất vả nhưng có nhiều sự trải nghiệm thú vị, câu chuyện của tôi có thể nhiều bác tài từng học tại ngôi trường này đã trải qua...

Trường Trung cấp nghề GTVT Thái Bình, nơi  đào tạo hàng triệu lái xe.

Nhóm học của tôi gồm có 9 người. Những ngày đầu, thầy bố trí học tại trung tâm dạy nghề huyện Tiền Hải. Thầy tên là Bùi Đức Mạnh. Lần đầu tiên gặp, thấy thầy còn trẻ và khá đẹp trai, tuy nhiên chúng tôi cùng thống nhất đánh giá là cân nặng của thầy “hơi dư”. Trong quá trình dạy học, thầy rất điềm đạm và ít khi nổi cáu. Tôi nghĩ chắc do nghề nghiệp rèn luyện một phần, bởi học viên học lái xe thì đủ các thành phần, lứa tuổi, tính cách khác nhau.

Bài học thực hành đầu tiên là tăng giảm số nguội. Chưa gì đã cảm thấy vất vả rồi! Cái chân côn nó chiếm hết tâm trí nên vào số vừa chậm vừa hóc…Tóm lại là bài đầu tiên thấy mông lung quá đi.

Bài sau đó là chạy xe tại chỗ. Khi nghe tiếng máy nổ là đã thấy cảm giác lâng lâng, bài này học dễ vào hơn... sau này chạy đường trường thì cảm giác đó được nâng lên rõ rệt hơn, tới mức "phê phê".

Thầy lúc nào cũng bận mải, tiết kiệm từng chút thời gian. Nghe nói thầy có khoảng hơn 40 học viên vào thời điểm này nhưng tôi nhận thấy, thầy sắp xếp lớp khoa học và nhớ rất nhanh tên gọi từng người, nhớ cả phong cách chạy xe của từng học viên và luôn đảm bảo được sự công bằng gần như tuyệt đối thời lượng cho từng buổi tập.

Lúc đầu tôi cũng lo lắng lắm, tôi gọi cho bạn bè nhờ phụ đạo giúp bộ môn chạy xe này, hoặc ít ra là giúp tôi thuê xe tập. Sau rồi, cảm giác căng thẳng qua mỗi lần tập, các kỹ năng cần nhớ đã quá nhiều không còn thời gian để thuê xe bên ngoài nữa. Thầy dạy rất kỹ và không bỏ qua bất cứ một chi tiết thực tế nào để áp dụng vào bài học: từ kiểm tra lượng nước làm mát, dầu nhớt đến cách quan sát mở cửa xe, quan sát gương chuyển hướng, xử lý khi gặp các biển báo trên đường. Thầy hay sử dụng một số câu "ngớt ga, rà phanh"; "Côn ra, ga vào" "an toàn rồi, đi thôi", thầy bảo nghề của thầy là nói, nếu ko nói thì không phải là dạy... thầy cũng dặn dò kỹ:

- Khu vực đông dân cư, có dải phân cách như thế này xe của mình chỉ được đi tốc độ tối đa 60 km/h thôi nhé, mà không có con lươn thì chỉ đi 50 km/h thôi.

-Thế ngoài khu vực đông dân cư thì đi cao nhất là bao nhiêu thầy?

- Những đoạn có dải phân cách ngoài khu đông dân cư tối đa là 90 km, còn không có dải phân cách thì đi 80 km...

Cách dạy học gắn với thực tế của thầy, giúp tôi nhớ nhanh hơn về lý thuyết. Những ngày đầu giải đề, bộ đề 600 câu toàn bị trượt, chỉ được khoảng 27/35 câu, sau rồi với kiến thức thực tế, suy luận và tự học tôi đã giải đề nhanh hơn, thuộc luôn cả 600 câu lý thuyết và giải một đề trong vòng 7-8 phút. Chắc sẽ an toàn về môn thi lý thuyết rồi.

Chuyến đi dã ngoại...

Chương trình học của chúng tôi có nội dung dã ngoại. Nghe về chủ đề, tôi đã tưởng tượng được đi đến những cánh đồng hoa ngập tràn hương sắc bát ngát trời mây của vùng cao Hòa Bình, những cảnh đẹp thơ mộng thỏa mãn với lối sống ảo của mình, hy vọng thu thập được một album ảnh để về khoe... vậy nên tôi đã rất háo hức, chuẩn bị thêm quần áo để "nhỡ có chụp ảnh...". Nhưng khi đi thì thất vọng toàn tập, ngồi trên thùng xe chạy vòng vèo lượn lên, trồi xuống theo từng con dốc, cảm giác cũng tương đối mệt. Đến lúc tôi chạy xe, yên tâm có thầy ngồi bên, tôi thả dốc như lái xe chuyên nghiệp (thầy nhận xét thế...)

 Lúc gặp một xe ngược chiều đang lên dốc, tôi đã hốt hoảng kêu:

- Ôi chết chết!

- Chết thế nào được, bình tĩnh xử lý chứ, đây là tính mạng của mình đấy.

Uh thật, không được phép mất bình tĩnh, lỗi do mình chủ quan, chưa làm chủ được tốc độ thôi. Qua việc này cũng cho tôi kinh nghiệm là tại sao nhiều chị em học hành đàng hoàng rồi mà lại không muốn chạy xe, chạy xe mà không xử lý được tình huống sẽ vô cùng nguy hiểm cho mình và cho người khác.

Cuối ngày hôm đó, ăn uống giao lưu, lần đầu tiên gặp các bạn nhóm khác và biết được một số thầy giáo của trường. Lại có thêm ấn tượng về một thầy giáo hát rất hay bằng cái loa kẹo kéo, thầy có phong cách sôi nổi và biết uống rượu, đối lập với thầy giáo hiền lành của chúng tôi...Đồ ăn ở đây có nhiều món lạ: đĩa mướp luộc quả bé tí như dưa bao tử xếp vòng quanh trông giống như một bông hoa xanh; những con ốc đá cuộn tròn vân của nó xoáy thật hoàn hảo; gà đồi nướng với lá móc mật; cào cào chiên sả; lợn mán quay... đặc biệt là món xôi tím nấu từ nếp nương với lá cẩm rất hấp dẫn. Thưởng thức ẩm thực nơi này, hòa vào tiếng hát của thầy, tất cả tạo nên một cuốn phim có đủ màu sắc của món ăn, sự lãng mạn của nhạc và sự giao lưu thân thiện của buôn làng.

Quây quần bên thầy ngày dã ngoại

Tan cuộc, thầy dặn nghỉ ngơi sớm đi, ngày mai còn chạy đường về. Mấy chị em cố tận dụng thời gian, thuê xe điện đi vòng quanh 8 điểm khu du lịch Bản Lác. Ngoài trời lác đác mưa bay, Bản Lác hoang vắng khách du lịch mùa Covid, chú lái xe điện hiếu khách và nhiệt tình kể chuyện về đặc điểm của Bản, kể về lượng khách nước ngoài đến đây trải nghiệm làm nông như thế nào ... cuối cùng, tôi vẫn hơi nuối tiếc vì chưa được thưởng thức cảnh đẹp của Hòa Bình là mấy :))

Thời gian học trong trường...

Rồi cũng đến ngày chúng tôi được lên ôn luyện trong khuôn viên nhà trường. Trường có 2 khu đều có diện tích khá rộng, đủ để đảm bảo các hoạt động dạy, học và sát hạch của tất cả các hạng nghề lái xe. Mặc dù là trường lái nhưng vẫn có những vị trí đẹp làm lán có mái che nắng che mưa để học viên ngồi quan sát, lại gặp thầy hôm trước kéo theo chiếc loa kẹo kéo. Thầy mải mê hát, giọng của thầy ở tone trầm, âm thanh dầy khá là truyền cảm.

Tôi còn thấy có một thầy da trắng, quần áo sáng màu là lượt, dùng cái ô như bảo bối. Thầy ngồi ghế lái phụ để rèn học viên, vươn chiếc ô ra ngoài cửa kính như múa. Hôm đó, mặc dù trời râm nhưng cái xe vẫn kiên trì che ô. Thấy tôi và Na để ý, thầy Mạnh bảo: " Ngồi trong xe mà cũng che nắng kìa, điệu quá cơ!... là thầy giáo đấy". Nghe kiểu nói hài hài của thầy càng buồn cười hơn. Ở đây, thầy và trò như bạn bè, khó mà phân biệt được.

Mấy hôm trước, chú em làm ở huyện đội bảo: "Thầy dặn chị đừng đi xe tự động, không mấy nữa thi trượt đấy!". Ơ, lạ thế, đi được nhiều thì tay lái càng lụa chứ sao... không ngờ sau đó bị ứng nghiệm ngay: hôm chạy thử xe chip, cái xe cứ chạy tự do, không dừng đúng vạch dừng như ý được mà phanh thì xe giật cục, thầy hô "chân côn đâu, đạp côn sâu vào..." toát cả mồ hôi, rối trí...

- Không phải thầy ạ, cái xe này nó đi nhanh lắm...

- Hii...(thầy cười đau khổ) chân côn của chị yếu quá!

Đúng là do chạy xe số tự động làm mình quên mất nhiệm vụ của chân trái. Sau lúc đó thì mình không còn mắc lỗi chân côn nữa nhưng mà đã sử dụng chân trái đến mỏi rã rời.

Với các học viên chuẩn bị thi tốt nghiệp và thi sát hạch, bài học ám ảnh nhất là dừng xe ngang dốc, dừng xe quá vạch 1 chút thôi là trượt, cũng không được để xe trượt dốc, chết máy. Tôi cũng đã gặp phải hầu hết các lỗi này nhiều lần, thầy dặn: "Đây là bài thi quyết định đấy, chị nhớ là chân côn ổn định, nghe tiếng máy để biết khi nào xe nó "muốn" đi, đừng chỉ nhìn vào vòng tua nhé. Vào nhầm số 3 là xe cũng không lên được đâu"...

Ở ngôi trường đó thật sự không khô khan, chúng tôi có thể hỏi bất cứ thông tin gì đều được các thầy cô hướng dẫn cụ thể. Giữa những lần tập lái, chúng tôi lại tranh thủ học lý thuyết. Tất cả các mẹo cần nhớ các thầy đã ghi chi tiết lên bảng để các bạn ôn lại và ghi nhớ một cách dễ dàng.

Lớp B2 của chúng tôi thi sát hạch ngày 23/10, tất cả đội đều đỗ với điểm số cao. Đến hôm nay vẫn nhớ lời thầy hô lúc qua vạch xuất phát: cố lên nhé chị Mai... làm tốt lắm!

Niềm vui trên mỗi cung đường

Bây giờ, sau khi đã tốt nghiệp, tôi vẫn còn ấn tượng rất đẹp với ngôi trường này, mỗi lần đi ngang qua, cảm giác thân thiện của thầy và trò, kỷ niệm về thời gian vất vả, nhiều nỗ lực cố gắng lại ùa về... Một ngôi trường có đội ngũ thầy cô trách nhiệm cao; đào tạo học viên bài bản, chất lượng; có những chiếc xe vios gắn chíp hay chết ằng ặc ngang dốc, có những học viên tất tả đến học ngoài giờ hành chính... tất cả sẽ dần lùi vào ký ức trở thành kỹ năng lái xe an toàn khi chúng tôi tham gia giao thông.

                                                                       Tiền Hải, ngày 7 tháng 11 năm 2020

                                                                                      Tác giả: Hà Anh


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan